BỎ TÚI NGAY 8 NGUYÊN TẮC LÁT GẠCH NỀN NHÀ
BỎ TÚI NGAY 8 NGUYÊN TẮC LÁT GẠCH NỀN NHÀ
Có câu nói: “Người dựa vào áo, ngựa dựa vào yên”. Tương tự như vậy, khi trang trí một ngôi nhà điểm đập vào mắt đầu tiên chính là sơn tường và gạch men. Đặt gạch lát sàn là một công việc kỹ thuật đòi hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm nhất định.
Nhiều gia chủ thường không tính toán và cân đo trước khi lát gạch nền nhà, nghĩ là cứ mua về rồi ốp xuống nền là xong, dẫn đến tình trạng gạch bị lệch, bám không chắc, dùng chưa tới một năm đã ộp và vỡ nát, không đảm bảo tính thẩm mỹ. Cùng Thái Đức gạt bỏ nỗi lo gạch mốc, bong tróc ngay với 3 nguyên tắc trước khi lát gạch nền nhà cực xịn sò dưới đây.
☰ Công tác trước khi lát gạch
Chất liệu làm nên gạch lát nền nhà thông dụng là đất sét và một số vật liệu khác, sử dụng lực ép và nhiệt độ cao để tạo nên viên gạch. Việc vệ sinh và ngâm gạch là nguyên tắc lát gạch nền nhà rất quan trọng để có một lớp nền gạch đẹp mắt.
➀ Tác dụng của việc vệ sinh và ngâm gạch trước khi lát
Các loại gạch ốp lát nên được vệ sinh và ngâm trước khi thi công để:
‣ Giúp mọi viên gạch đều sạch sẽ, các lỗ hổng trong gạch được lấp đầy, nhờ thế mà chất bám dính sẽ bám chắc hơn.
‣ Tăng diện tích tiếp xúc với nền nhà.
‣ Hạn chế tối đa nguy cơ hổng gạch, bong tróc sau thời gian sử dụng.
Các loại gạch cần ngâm: Gạch ceramic, gạch thẻ, gạch ống, gạch men. Thời gian ngâm khoảng 1 tiếng trước khi thi công.
Các loại gạch không cần ngâm: gạch granite, gạch porcelain. Vì kết cấu gạch rất chắc và ít có lỗ hổng nên có thể lát ngay, không cần ngâm cũng được.
➁ Vệ sinh và đầm phẳng mặt sàn cần lát gạch
Không chỉ gạch lát mà cả mặt sàn cần lát cũng nên được vệ sinh sạch và đầm phẳng trước khi thi công để giúp lớp xi măng kết dính chắc chắn hơn gấp 3 lần, hạn chế tích nước, gạch bám chắc và không bị bong tróc. Cụ thể:
‣ Quét sạch sàn nhà, loại bỏ sỏi đá, đất, hoặc loại bỏ được cả bụi thì càng tốt để giữ lớp gạch nền đẹp.
‣ Tiến hành đầm phẳng mặt sàn bằng cách trải đều một lớp vữa, dùng thước gạt phẳng và dùng đầm tay (máy đầm) để tạo một lớp nền phẳng, không bị sụt lút khi đi lại.
➂ Tính toán chính xác vị trí viên gạch đầu tiên
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều viên gạch bị chắp vá là do gia chủ/thợ thi công khi lát gạch nền đã tính toán không chính xác vị trí viên gạch đầu tiên. Để không gặp phải trường hợp này, bạn cần tính toán tổng diện tích bề mặt sàn so với mặt gạch, để xem bị thừa thiếu thế nào, rồi tiến hành điều chỉnh cho cân đối, sau đó mới bắt đầu lát gạch nhé. Thái Đức gợi ý một số cách căn vị trí gạch phổ biến nhất để bạn tham khảo:
‣ Đối với nền nhà vuông, diện tích là bội số của kích thước gạch: Ví dụ, gạch 60×60 cm, diện tích nền là 2.4m x 4.8m là mặt nền dễ lát nhất. Bạn chỉ cần lát từ sát góc trong cùng của tường ra là nền sẽ đều và đẹp.
‣ Đối với nền nhà có diện tích không phải bội số kích thước gạch: Ví dụ gạch 60×60 nhưng diện tích nền lại là 2.4m x 5m: để lát được đẹp trên loại nền này, bạn cần tính xem kích thước bị dôi ra là bao nhiêu, sau đó cắt một viên gạch kích thước tương ứng, lát vào góc trong cùng, rồi từ miếng gạch đó lát dần ra ngoài. Làm như vậy sẽ hạn chế tối đa việc cắt, ghép nhiều viên gạch nhỏ gây mất thẩm mỹ.
☰ Nguyên tắc không thể bỏ qua trong quá trình lát gạch nền nhà
Xong công tác chuẩn bị rồi, mời bạn cùng Thái Đức khám phá 5 nguyên tắc khi thi công lát gạch đảm bảo nền nhà đẹp, mang tính thẩm mỹ cao, ai nhìn cũng phải tấm tắc khen.
➀ Đặt đúng chiều gạch khi lát
Thông thường, khi lát các loại gạch trơn, bạn sẽ không cần phải căn chỉnh trái phải gì hết, cứ đặt vào sát nhau là sẽ khớp. Tuy nhiên, đối với gạch có họa tiết, gạch vân đá, bạn cần đặt đúng chiều gạch khi lát, như vậy thì phần nền mới đẹp và thẩm mỹ cao. Nếu không đặt đúng, đầu gạch này khớp với chân gạch kia sẽ gây cảm giác khó chịu và rối mắt khi vào nhà.
Để đặt gạch đúng chiều, bạn cần nhìn vào dưới bề mặt gạch. Dưới mỗi viên gạch sẽ có ký hiệu mũi tên, bạn cứ đặt đúng theo chiều mũi tên là sẽ ra thành phẩm nền nhà đều, đẹp!
➁ Đảm bảo khoảng cách giữa các viên gạch
Đảm bảo có khoảng cách hợp lý (khoảng 2 – 3mm) giữa các viên gạch là nguyên tắc lát gạch nền nhà quan trọng giúp tăng tính thẩm mỹ và chống nổ, phồng gạch khi nhiệt độ tăng cao. Bạn nên sử dụng ke vít, ke nêm gạch để cân đối khoảng cách giữa các viên gạch cho đồng đều nhé.
Có hai loại ke thông dụng để bạn tham khảo là:
‣ Ke vít thông thường: Có chức năng cơ bản là chặn giữa các viên gạch, một số loại có thêm thiết kế để cân bằng gạch nhưng nhìn chung hiệu quả sẽ không cao.
‣ Ke vít cân bằng: Loại ke này có chốt chặn đi kèm kìm siết, giúp chặn giữa các viên gạch tốt, đồng thời có khả năng cân bằng các viên gạch, hạn chế gạch bị lồi lõm. Bạn ưu tiên sử dụng loại ke vít này để đảm bảo gạch lát đều, đẹp và bằng phẳng.
➂ Đảm bảo độ cân của bề mặt gạch
Bên cạnh khoảng cách gạch, độ cân của bề mặt gạch cũng là điểm bạn cần chú ý. Bởi vì gạch cân và bằng phẳng thì đi lại mới thuận tiện, nội thất đặt trong nhà cũng vững chắc, không bị lắc lư hay xê dịch.
Để đảm bảo độ cân của gạch, bạn thực hiện như sau:
‣ Thao tác thủ công: Bạn sử dụng ngón tay trỏ, sờ vào vị trí giao giữa 4 viên gạch liền kề xem, nếu không bị gợn tay chứng tỏ gạch đã cân đẹp rồi.
‣ Sử dụng ke vít cân bằng: Cách này sẽ đơn giản hơn nhiều, bạn chỉ cần nhét chốt chặn vào vị trí và dùng kìm siết chắc lại là được. Tính chính xác cũng cao hơn, giúp miếng gạch cực cân và đều.
➃ Chà sạch ron sau khi lát
Một nguyên tắc lát gạch nền nhà cũng quan trọng không kém là bạn cần chà sạch ron sau khi lát để đánh bay hết phần xi măng, bụi bẩn còn sót lại. Lúc đổ keo ron lên sẽ trắng và đẹp hơn. Đồng thời, keo sẽ bám chắc vào xương gạch, đảm bảo độ bền cực cao xuyên suốt thời gian.
Nếu không chà ron, lớp keo sẽ khó đổ chắc được vì bị vướng xi măng, dễ bong tróc sau vài tháng sử dụng, bạn phải tốn nhiều chi phí để khắc phục.
➄ Không đứng lên gạch sau khi ốp
Gạch mới ốp xong chưa khô ngay, cần phải có thời gian để gạch bám chắc vào nền nhà. Nếu bạn đứng lên gạch ngay sau khi ốp dễ làm xô lệch gạch, cong vênh, tiềm ẩn nguy cơ gạch bị bộp sau một thời gian sử dụng.
Để hạn chế việc đứng lên gạch, bạn nên để chừa một hàng gạch ốp sau cùng, khi đã xong hết mới tiến hành lát hàng gạch này chiều từ trong ra ngoài cửa, như thế thì bạn sẽ có một không gian để đi lại thuận tiện, tránh đúng chạm đến miếng gạch đã ốp.
☰ Hướng dẫn quy trình lát gạch nền nhà đảm bảo phẳng đẹp
Sau khi đã nắm vững các nguyên tắc lát gạch nền nhà, bạn hãy cùng Thái Đức xem và thực hành ngay quy trình lát gạch nền nhà đơn giản, chi tiết để nền nhà luôn phẳng đẹp, bền chắc, trường tồn cùng thời gian nhé!
Bước 1. Tạo lớp nền cơ sở
Lớp nền cơ sở rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến độ đẹp, bền của nền nhà sau khi lát. Để tạo một lớp nền cơ sở bằng phẳng và vững chãi, bạn thực hiện các bước như sau:
‣ Dùng chổi quét sạch bụi bẩn và loại bỏ cát sỏi, đất đá. Vệ sinh sạch nền xong, bạn sử dụng ống nước ti ô để căng dây lấy cốt và tạo độ dốc cho nền.
‣ Kế đến, trộn xi măng và cát theo tỷ lệ 1:4, thêm nước vào, rồi dùng xẻng đảo lên cho đến khi đạt độ sệt vừa phải. Thông thường, một bao xi măng cần 4 bao cát và khoảng 12 lít nước để có độ sệt chuẩn, khi lát gạch sẽ dính chắc hơn.
‣ Rải phần vữa vừa mới trộn lên bề mặt nền, nhớ trải đều nhất có thể rồi sử dụng thước gạt phẳng để tạo độ dốc. Trong trường hợp nước tràn vào nền nhà trong mùa mưa bão cũng dễ dàng thoát ra cống.
‣ Cuối cùng, chọn lát gạch luôn (lát sống) hoặc đợi lớp nền khô rồi mới lát (lát nguội).
Lưu ý:
Lát nguội: Bạn đợi đến khi lớp nền thật khô rồi mới lát gạch, gạch bám chắc và ít bị bộp, tuy nhiên sẽ tốn vật tư hơn.
Lát sống: Phương pháp lát này không cần chờ đợi, nhưng tay nghề thợ phải cao, nếu không gạch lát sẽ không đều, khó bằng phẳng (do lớp xi măng chưa khô). Sau một thời gian gạch dễ bị bộp do bám chưa chắc vào nền.
Tùy điều kiện và thời gian cho phép mà bạn lựa chọn phương pháp lát phù hợp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng của mình và người thân nhé.
Bước 2. Tiến hành lát gạch
Quy trình lát gạch nền nhà được thực hiện như sau:
‣ Dùng dây mảnh căng ra hoặc quả dọi và máy laser để căn chỉnh đường cơ sở, căng lần lượt từ trái qua phải, từ trên xuống dưới để gạch lát đều và thẳng hơn.
‣ Sau đó, tưới lớp hồ dầu xuống khu vực cần lát, gõ nhẹ để nước hồ dầu xì lên tất cả cạnh của viên gạch để độ bám tốt hơn, nền nhà chắc đẹp đi lại cũng thoải mái.
‣ Tiếp đến, bạn đặt từng viên gạch theo đúng chiều lên lớp hồ, đặt ke vít vào giữa cạnh viên gạch, dùng búa cao su gõ nhẹ vào 4 cạnh của viên gạch để điều chỉnh, tăng độ kết dính của gạch và vữa.
Bước 3. Trét ron gạch (mạch gạch)
Khoảng 3 tiếng sau khi lát, xi măng sẽ khô lại, gạch cũng bám khá chắc rồi thì bạn tiến hành:
‣ Vệ sinh ron gạch: Dùng dao rọc giấy móc ron gạch để lấy hết phần xi măng thừa.
‣ Trộn keo trét ron: Lấy một ít cát mịn, trộn cùng xi măng theo tỷ lệ 1:1, thêm nước vào, đảo lên cho đều.
‣ Trét ron: Dùng bay có mũi nhọn để quét keo vào các cạnh ron của gạch. Miết thật phẳng để tạo độ bóng, nhớ chùi phần keo dư ra, tránh để keo thừa trông rất mất thẩm mỹ.
Nếu muốn phần ron đồng màu với gạch cho đẹp, bạn pha thêm một ít bột màu vào, đơn giản hơn thì bạn mua keo trét ron gạch pha sẵn về để sử dụng luôn, đỡ mất công pha.
Bước 4. Vệ sinh nền
Tầm 1 ngày sau khi lát gạch, vữa sẽ khô và cứng, gạch cũng bám dính rất chắc vào nền nhà. Bạn có thể đi lại và vệ sinh nền để nền đẹp mắt hơn. Nên dùng một chiếc khăn mềm, thấm nước để lau sạch phần vữa còn dư quanh mạch trít, cũng như bụi bẩn trên bề mặt gạch.
Lưu ý: Chỉ sử dụng nước, tránh dùng các hóa chất tẩy rửa vì nồng độ axit cao sẽ làm mờ dần hoa văn trên gạch, giảm độ trơn láng. Về lâu về dài gạch trở nên ố vàng, trông rất xấu, làm giảm luôn sự sang trọng của căn phòng.
Như vậy, bạn đã nắm được 8 nguyên tắc lát gạch nền nhà cực quan trọng, cũng như quy trình lát gạch nền nhà chi tiết. Bắt tay vào làm ngay để biến ngôi nhà trở nên đẹp và ấm cúng hơn bạn nhé!
Thân Thiện • Kết Nối • Thành Tín