ĐỔ BÊ TÔNG VÀ NHỮNG LƯU Ý KHÔNG THỂ BỎ QUA
ĐỔ BÊ TÔNG VÀ NHỮNG LƯU Ý KHÔNG THỂ BỎ QUA
Đổ bê tông là một trong các bước quan trọng khi thi công, chất lượng bê tông ảnh hưởng cực lớn đến chất lượng công trình. Do đó, trong quá trình đổ, thợ thi công cần tuân thủ những tiêu chuẩn, quy trình đổ bê tông để tránh sai sót có thể làm xô lệch, nứt vỡ.
Vậy bê tông là gì?
Bê tông là một hỗn hợp nhân tạo được hình thành từ việc trộn lẫn các thành phần như: Xi măng, nước, đá/sỏi, cát, phụ gia bê tông … theo một tỷ lệ nhất định. Hay có thể hiểu đổ bê tông là việc đưa hỗn hợp bê tông vào các khuôn coppha để tạo thành một khối cứng ổn định.
Đổ bê tông là một trong các bước quan trọng khi xây dựng công trình. Công tác bê tông gồm nhiều hạng mục như: Đổ bê tông móng, đổ bê tông cột, dầm sàn, cầu thang… Với mỗi hạng mục đều có sự khác nhau giữa thành phần, tỷ lệ trộn hay các phương pháp thực hiện.
☰ Nguyên tắc đổ bê tông
Để có một lớp bê tông chất lượng, đạt chuẩn, nâng cao tuổi thọ cho công trình cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:
‣ Chiều dày lớp bê tông phải tuân theo đúng tiêu chuẩn để tương thích với bán kính tác dụng của đầm.
‣ Thực hiện đổ từng đoạn 1,5m đối với các chi tiết cột có cạnh nhỏ hơn 40m. Tường có chiều dày nhỏ hơn 15cm và các cột bất kỳ nhưng có đai cốt thép chồng chéo.
‣ Đối với các chi tiết cột có chiều cao nhỏ hơn 5m và tường có chiều cao nhỏ hơn 3m cần phải đổ liên tục.
‣ Nếu trong trường hợp muốn ngừng lại cần phải chọn những vị trí chịu lực momen uốn nhỏ. Cần phải đảm bảo cấu tạo mạch ngừng thi công hợp lý cho cột và tường.
‣ Nếu chẳng may việc ngừng đổ quá thời gian quy định, thì trước khi tiếp tục cần phải xử lý bề mặt bê tông.
☰ Chuẩn bị
Để giai đoạn đổ diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả cao, khâu chuẩn bị rất quan trọng, cụ thể:
➀ Chuẩn bị nhân lực
Đổ bê tông diễn ra với nhiều công đoạn như cán bê tông, xúc đổ bê tông, trộn bê tông,… Tùy vào quy mô công trình để cần tính toán số lượng nhân công cho hợp lý. Điều này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, tránh việc không đủ người hay số lượng người vượt quá quy định dẫn đến tốn kém.
➁ Kiểm tra cốt thép, cốp pha, sàn thao tác
‣ Cốt thép cần đạt các tiêu chuẩn về vị trí, số lượng, chủng loại, mối nối, chiều dài. Thép phải được buộc theo thiết kế, không bị gỉ và được vệ sinh sạch sẽ.
‣ Cốp pha đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về vị trí, độ chắc chắn, tính chống mất nước khi đầm bê tông.
‣ Chuẩn bị tốt các công tác này sẽ đem lại hiệu quả cao cho công trình đồng thời đảm bảo an toàn cho người lao động khi thi công.
➂ Kiểm tra số lượng và chất lượng vật liệu xây dựng
Vật liệu tham gia vào quá trình đổ bê tông như cát, đá, xi măng, sắt, thép,… đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng cả về chất lượng và số lượng. Nếu như sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành phẩm bê tông. Hiện tại đa phần các công ty đều dùng bê tông tươi trộn sẵn, giảm bớt phần nào chi phí và nhân công mà còn đảm phẩm chất lượng bê tông từng khối trộn đều nhau.
➃ Kiểm tra máy móc, thiết bị,…
Những loại máy móc cần thiết cho công đoạn đổ bê tông phải kể đến như máy đầm bê tông, máy trộn bê tông, máy bơm bê tông, máy mài sàn bê tông, máy xóa nền,… Cần phải đảm bảo vận hành trơn tru, không trục trặc, đảm bảo đúng kỹ thuật.
☰ Quy trình đổ bê tông móng, cột, dầm, sàn
Việc thi công các cấu kiện như móng, cột, dầm, sàn có sự khác nhau, mỗi loại đều có cách thực hiện riêng.
➀ Quy trình đổ bê tông móng
‣ Khi làm lưới thép móng cần phải đặt đúng theo phương giống như trong bản vẽ thiết kế trước đó. Nếu không sẽ làm sai lệch kết cấu, giảm tác dụng của hệ kết cấu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
‣ Bê tông sau khi trộn xong cần phải được chuyển đến khu vực đổ móng bằng bơm hoặc xe cút kít.
‣ Khi thi công cần tạo bề mặt nhẵn phẳng và có độ dốc vừa phải.
‣ Bề mặt sau khi đổ đã khô tương đối nên dùng gỗ đóng để có thể kiểm tra tình trạng cẩn thận.
‣ Đổ theo nguyên tắc từ xa đến gần. Người thợ cần bắc sàn công tác qua hố móng để không đứng lên thành cốp pha hay cốt thép làm ảnh hưởng đến kết cấu.
Lưu ý: Khi thực hiện cần phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn đầm dùi thật kỹ để cho bê tông phân bố đều trong kết cấu.
➁ Quy trình đổ bê tông cột
‣ Muốn đổ bê tông cột nhà nhất định phải chờ cho phần bê tông móng cột đã đông cứng, đủ độ khô. Có như vậy mới đảm bảo phần móng đủ cứng để chịu tải của cột nhà và các phần sau đó.
‣ Loại bỏ những phần bê tông thừa ở giữa cốt thép, tưới lại nước để làm sạch. Sau đó dội nước xi măng pha loãng để tăng sự liên kết cho phần bê tông cũ và mới rồi mới tiến hành đổ bê tông cho cột nhà.
‣ Đối với các cột sát tường nhà bên cạnh mọi người nên sử dụng tốm xốp để chèn vào giữa khe cột và tường. Vì nếu sử dụng tấm cốp pha để chèn sẽ gặp khó khăn khi tháo gỡ ra khi đã làm cột xong. Còn với tấm xốp chúng ta không cần phải tháo ra.
‣ Trước hết thợ sẽ từ từ đưa bê tông vào khối đổ đi qua cửa đổ xuống máng đổ cẩn thận. Khi đổ cần lưu ý chiều cao rơi tự do không quá 2m để tránh hỗn hợp bê tông bị văng ra ngoài.
‣ Đầm theo phương thẳng đứng, sử dụng đầm dùi để thi công. Trong đó mỗi lớp bê tông được đổ phải có chiều sâu vào khoảng 30-50cm, thời gian tiến hành từ 20-40s.
‣ Tiếp tục thực hiện đổ bê tông cột, lớp dưới cột hay mắc lỗi bị rỗ do các cốt liệu to làm đọng lại ở đáy. Do đó người thợ cần chú ý chỉ đổ một lớp vữa xi măng dày khoảng từ 10 – 20 cm.
Lưu ý: Phần hố móng đổ bê tông móng không được ngập nước bởi như vậy sẽ khiến bê tông không đảm bảo chất lượng.
➂ Quy trình đổ bê tông dầm
‣ Khi đổ bê tông dầm người thợ cần lưu ý đến chiều cao của dầm không nên để vượt quá 50cm. Trong trường hợp này thì hay đổ dầm cùng với bản sàn.
‣ Dựa vào từng đặc điểm của công trình mà giám sát công trình có thể thay đổi kiểu đổ sao cho phù hợp.
‣ Đối với loại dầm đổ cao thì người thợ sẽ không đổ theo từng lớp một trong suốt chiều dài mà sẽ đổ theo dạng bậc thang đoạn một chừng 1m.
‣ Đổ khối dầm và bản sàn sẽ được liên kết với cột, đổ cột tới độ cao cách mặt đáy dầm một khoảng chừng 3-5cm. Sau đó dừng lại chừng 1 giờ để bê tông co ngót rồi mới thực hiện đổ tiếp.
➃ Quy trình đổ bê tông sàn
‣ Khi thực hiện đổ bê tông sàn cần phải được thực hiện theo hướng giật lùi, hình thành từng lớp để ngăn tình trạng phân tần xảy ra.
‣ Trên mặt sàn sẽ được chia thành từng dải để thợ tiến hành thi công, trong đó chiều rộng của mỗi dải sẽ là 1-2m.
‣ Khi người đổ cách dầm chính một khoảng chừng 1m thì sẽ tiếp tục đổ dầm. Và khi dầm cách mặt trên của cốp pha một khoảng chừng 5-10cm lại tiếp tục đổ tiếp.
Lưu ý: Khi đổ cần phải dùng cữ để kiểm soát độ cao tránh việc đổ quá cao sẽ làm cho hỗn hợp rơi ra ngoài, lãng phí. Đầm dùi kỹ bề mặt bê tông xong thì thợ sẽ dùng bàn xoa để làm phẳng hơn nữa.
‣ Thực hiện đổ sàn từ vị trí xa vào gần dần dần, tránh để nước đọng ở đầu và các góc cốp pha, dọc theo mặt vách hộp cốp pha.
‣ Người thợ khi thực hiện các thao tác như đổ, đầm, gạt xoa mặt bê tông cần đều tay, liên tục, cuốn chiếu từng đoạn.
☰ Bảo dưỡng bê tông
‣ Khu vực mới đổ xong cần phải được che chắn nhằm chống bụi hoặc những ảnh hưởng từ thời tiết.
‣ Sau khi đổ xong cần tiến hành bảo dưỡng để kết cấu hỗn hợp không bị khô nước cùng như hạn chế những tác động có thể ảnh hưởng đến bề mặt sàn.
‣ Lớp bê tông khi đã đạt đến độ ninh kết nhất định thì có thể thi công tiếp. Thời gian hoàn thiện sẽ phụ thuộc vào loại bê tông đổ và thời tiết địa phương. Thông thường đối với thi công sẽ là sau 1,5 ngày vào mùa hè và 3 ngày vào mùa đông.
☰ Xử lý tình trạng bê tông cột bị rỗ
Khi chúng ta đổ bê tông cột nhà thường gặp phải tình trạng bị rỗ và khi tháo dỡ cốp pha mới thấy được. Tình trạng này làm giảm chất lượng, độ cứng của bê tông cột và cần phải có biện pháp xử lý kịp thời. Tùy vào nguyên nhân gây rỗ sẽ có cách xử lý. Nếu bị rỗ trên mặt hoặc rỗ sâu bên trong chúng ta sẽ khắc phục theo các cách khác nhau:
➀ Đối với bê tông cột bị rỗ bề mặt
Nếu đây chỉ là các vết rỗ nhỏ, không sâu vào bên trong mọi người cần đục và trát vừa xi măng cho những chỗ bị rỗ. Hãy đục những viên đá tại khu vực bị rỗ, dùng nước sạch phun lên rồi thấm khô. Tiếp đó dùng vữa xi măng cát để trát kín các lỗ rỗ. Khi trát cần miết mạnh tay để vữa bám chặt vào bê tông.
➁ Đối với bê tông rỗ sâu
Nếu vết rỗ sâu và xuất phát từ phần lõi bên trong chúng ta không nên sử dụng phần cột này. Cần thực hiện đổ bê tông lại từ đầu nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật để tránh bị rỗ lần nữa.
Trên đây là những lưu ý kỹ thuật mọi người cần biết khi thực hiện đổ bê tông cột nhà. Cần thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình và nên thuê những đội thợ chuyên nghiệp để thi công sẽ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật tốt nhất.
Thân Thiện • Kết Nối • Thành Tín